star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Chương trình cử nhân tài năng mở ngành học mới Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng


Hình thức kinh doanh online đang ngày một phát triển, nhất là khi việc đặt mua sản phẩm trên các trang mua sắm như Lazada, Tiki, Shopee,…thậm chí là trên các trang của nước ngoài như Amazon, Taobao, Alibaba,...đang sôi động hơn bao giờ hết.

Nhưng có bao giờ, các bạn thử tìm hiểu vì sao các sản phẩm lại đến tay mình một cách nhanh chóng và đảm bảo chất lượng đến vậy? Đó là kết quả của một quá trình vận hành chuỗi cung ứng nhiều mắt xích nhưng rất hiệu quả có sự góp sức của nguồn nhân lực tốt nghiệp chuyên ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng. Hãy cùng trò chuyện với thầy Bùi Đức Anh - Trưởng các Chương trình Tài năng của Đại học (ĐH) Duy Tân về ngành học đang gây “sốt” này bên cạnh nhiều Chương trình Tài năng thú vị khác tại ĐH Duy Tân.

PV: Được biết, Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng là ngành học mới của ĐH Duy Tân là Chương trình Tài năng. Thầy có thể chia sẻ để các bạn thí sinh hiểu rõ hơn về ngành học mới này, thưa thầy?


Thầy Bùi Đức Anh: Năm 2018, ĐH Duy Tân chính thức đào tạo Chương trình Tài năng bên cạnh rất nhiều các chương trình đào tạo khác tại trường. Chương trình Tài năng được triển khai với mục tiêu tuyển sinh các thí sinh có điểm thi đầu vào cao để đào tạo nhân tài cho đất nước. Sinh viên theo học chương trình này sẽ được đào tạo toàn diện để vừa vững chuyên môn vừa có trình độ Tin học, tiếng Anh vượt trội, có kỹ năng “mềm” và đặc biệt là có năng lực tư duy, khả năng sáng tạo và tầm nhìn chiến lược. Mục tiêu mà ĐH Duy Tân hướng tới khi triển khai các chương trình chất lượng như Chương trình Tài năng là đào tạo ra những thế hệ sinh viên đạt chuẩn quốc tế, tự tin hội nhập với thị trường lao động toàn cầu.
Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng là chuyên ngành mới trong tổng số 8 ngành và chuyên ngành của Chương trình Tài năng đang được ĐH Duy Tân triển khai gồm:
• Big Data & Machine Learning,
• Quản trị Doanh nghiệp,
• Quản trị Marketing và Chiến lược,
• Quản trị Tài chính,
• Kế toán Quản trị,
• Văn hóa Du lịch Việt Nam,
• và Luật Kinh doanh.
Đây cũng là ngành học “hot” vào bậc nhất trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

PV:Vì là ngành học còn khá mới, thầy có thể chia sẻ sâu hơn đặc điểm công việc nếu tốt nghiệp ra từ ngành học này? Các bạn trẻ muốn theo học ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng sẽ đăng ký xét tuyển bằng những tổ hợp môn nào, thưa thầy?
Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng là ngành nghiên cứu, phát triển, và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Logistics liên quan tới chuỗi các hoạt động bao gồm: Lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa; Kiểm soát nguồn nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào), và Quản lý sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Nếu làm tốt Logistics sẽ đảm bảo dịch vụ được thực hiện tốt hơn, chi phí thấp hơn, và mang đến những hiệu quả “bất ngờ” không chỉ cho riêng doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế của quốc gia.
Để giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tốt trong lĩnh vực này, ĐH Duy Tân đã xây dựng một chương trình đào tạo bài bản để trang bị cho sinh viên các kiến thức về:
• chuỗi cung ứng,
• hệ thống phân phối, giao nhận vận tải,
• xây dựng - quản lý hệ thống các kho bãi và các điểm kết nối kho bãi,
• các phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường biển,
• kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính - kế toán trong vận tải đa phương thức, và
• khối kiến thức chuyên ngành trong từng học phần cụ thể như: Quản lý Phân phối, Quản lý Bán lẻ, Quản lý Rủi ro và An toàn trong Chuỗi cung ứng, Quản lý Tồn kho, Hệ thống Vận tải và Hậu cần Quốc tế,...

PV: Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn tại các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Tuy nhiên, để có các cơ hội đó, một tiêu chí không thể thiếu đó là các tân cử nhân phải giỏi tiếng Anh. Là chuyên ngành thuộc Chương trình Tài năng, sinh viên theo học Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng sẽ được đào tạo như thế nào để giỏi tiếng Anh ngay khi tốt nghiệp, thưa thầy?
Mục tiêu của Chương trình Tài năng là cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực toàn cầu; do đó, nhà trường đã xây dựng một lộ trình đào tạo đặc biệt dành cho sinh viên theo học chương trình này. Trong đó, hầu hết các học phần chuyên ngành, sinh viên sẽ học hoàn toàn bằng tiếng Anh dưới sự giảng dạy của các giảng viên cao cấp đến từ: Mỹ, Hàn Quốc, Ấn độ, Đài Loan,... vừa được trau dồi kiến thức chuyên môn vừa nâng cao được kỹ năng tiếng Anh,... Ngay cả trong quá trình thực tập, nhà trường cũng hướng cho các em đến học hỏi kinh nghiệm ở các doanh nghiệp logistics nước ngoài đặt tại Việt Nam hay tạo cơ hội thực tập ở các công ty ở nước ngoài thông qua chương trình Passage to ASEAN (P2A) hay Learning Express. Một phần là để các em tiếp nhận thêm kiến thức, phần khác để các em nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm tạo dựng một hành trang tốt nhất cho công việc trong tương lai.

PV:Sự bùng nổ về mua sắm online trong thời gian gần đây đã tạo cơ hội rất lớn về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành này. Hẳn ngay sau khi ra trường, các em sẽ không lo thất nghiệp, thưa thầy?
"Coi logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa” đã được nêu rõ trong “Chiến lược phát triển tổng thể khu vực dịch vụ của Việt Nam đến 2020” theo Quyết định số 175 QĐ-TTg ngày 27.1.2011 của Thủ tướng, đã cho thấy việc phát triển ngành Logistics và nguồn nhân lực Logistics là một chương trình cấp quốc gia. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập ngày một sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn cơ hội việc làm hấp dẫn với các bạn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này.
Logistics và Quản lý Chuỗi Cung ứng ở Việt Nam luôn được các chuyên gia đánh giá rất có triển vọng bởi “cung” vẫn chưa đủ “cầu”. Bởi vậy, sinh viên tốt nghiệp từ ngành luôn được săn đón với chính sách ưu đãi rất cao từ các doanh nghiệp như: Vinamilk, Vietnam Airlines, VietJet, Saigon Co.op, Bia SaiGon, Saigon Port, Ben Nghe Port... các cơ quan của Nhà nước.